Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

Chọn cây, hoa ý nghĩa cho nhà đẹp ngày Tết

Ngoài hoa Mai, hoa Đào là những loài hoa gắn liền với ngày Tết, không ít loài hoa, cây cảnh khác mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp mà bạn nên biết khi trang trí cho ngôi nhà đón năm mới.
Những loài hoa, cây cảnh mang may mắn đến cho gia đình
Những ngày gần Tết cũng là thời điểm mọi gia đình trang trí lại ngôi nhà của mình để chào đón một năm mới sắp tới. Và để ngôi nhà thêm đẹp và tràn ngập không khí mùa Xuân, một vật trang trí không thế thiếu chính là những bông hoa rực rỡ đầy màu sắc và những cây cảnh xanh tươi. "Mỗi loài hoa, cây cảnh lại có những ý nghĩa khác nhau và phù hợp với từng không gian riêng. Nên không ít người băn khoăn khi lựa chọn hoa, cây cảnh làm đẹp nhà dịp Tết", chị Nga- một chủ cửa hàng hoa, cây cảnh trên đường Thành Thái chia sẻ. Cũng chính vì thế, chuyện mục Nhà đẹp sẽ giúp bạn một số gợi ý lựa chọn hoa, cây cảnh đẹp và ý nghĩa cho những ngày Tết sắp tới.
Phát Lộc, Phát Tài: Điều mà có lẽ tất cả mọi người đều mong muốn cho gia đình mình có được trong năm mới chính là tài lộc sung túc. Và không loài cây nào thể hiện mong muốn đó rõ hơn bằng cây Phát Lộc, Phát Tài. Những mầm non tươi mới của hai loài cây này là sự thể hiện một năm mới mang nhiều tài lộc sinh sôi cho cả gia đình.
Hoa Tầm Xuân: Đi kèm với hoa Mai, hoa Đào thì Tầm Xuân là loài hoa được sử dụng khá nhiều trong các gia đình như một vật trang trí không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, Xuân về với ý nghĩa báo Xuân sang.
Tầm Xuân là loài hoa được sử dụng khá nhiều trong các gia đình như một vật trang trí không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, Xuân về với ý nghĩa báo Xuân sang
Hoa Trạng Nguyên: Mang ý nghĩa thể hiện sự thành đạt. Với ý nghĩa đó, việc chưng hoa Trạng Nguyên ngày Tết vừa mang đến vẻđẹp cho ngôi nhà của bạn vừa là sự thể hiện mong muốn một năm mới thành công và may mắn cho cả gia đình.
Hoa Hải Đường: Theo quan niệm của người xưa thì đây là loài hoa tượng trưng cho mùa Xuân. Chữ “ Đường” mang hàm ý là một ngôi nhà lớn. Chính vì thế, đây là loài hoa thể hiện cho sự giàu sang và phú quý - điều mà bất cứ gia đình nào cũng mong muốn đạt được trong năm mới.
Hoa Lan: Luôn được xem là biểu tượng của người sang trọng và quân tử nên việc chọn những cành hoa lan để trang trí nhà trong ngày tết là một điều dễ hiểu. Đa dạng về chủng loại và màu sắc, lại có sức sống, độ bền cao nên việc lựa chọn hoa Lan sẽ giúp bạn thêm một món đồ trang trí đẹp mắt cho ngôi nhà trong những ngày đầu năm mới.
Hoa Đồng Tiền: Là một loài hoa mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp như đem lại may mắn, sức khỏe mà tuổi thọ cho cả nhà, loài hoa này được rất nhiều người lựa chọn để trồng trong vườn hay cắm hoa trang trí dịp đầu năm như một lời chúc đầy ý nghĩa cho cả gia đình.
Hoa Sống Đời: Cái tên nói lên tất cả. Loài hoa nhỏ nhắn nhưng lại mang màu sắc rực rỡ và sức sống bền bỉ này mang theo ý nghĩa cầu chúc một năm mới dồi dào sức khỏe cho cả gia đình. Bên cạnh đó nó còn thể hiện sự sinh sôi, nảy nở và tình đoàn kết của các thành viên trong ngôi nhà của bạn.
Hoa Cúc: Đa dạng về màu sắc và chủng loại lại có sức sống lâu, nhiều người rất thích sử dụng hoa Cúc trong những ngày Tết để trang trí nhà cửa như mong muốn đem thêm sức sống và không khí mùa xuân ấm áp vào trong không gian sống của gia đình mình.
Trên đây, chỉ là một vài loài hoa thường được sử dụng cho ngày Tết. Có rất nhiều loài hoa đẹp cho năm mới bạn có thể sử dụng. Một khách hàng mua hoa, cây cảnh tại đường Thành Thái cho rằng: "Chỉ cần bạn thực sự quan tâm và mong muốn những gì tôt đẹp cho gia đình mình thì mọi loài hoa đều đẹp trong ngày Tết".

Lưu ý khi dùng hoa trang trí ngày Tết
Với những loài hoa khác nhau, việc lựa chọn vị trí và không gian trang trí phù hợp sẽ đem lại vẻ đẹp cho ngôi nhà của bạn vào ngày Tết
Với những loài hoa khác nhau, việc lựa chọn vị trí và không gian trang trí phù hợp sẽ đem lại vẻ đẹp cho ngôi nhà của bạn vào ngày Tết. Theo những người chuyên kinh doanh hoa, cây cảnh có kinh nghiệm cho biết: "Những loài hoa có màu sắc tươi sáng, rực rỡ như vàng, đỏ... thường là lựa chọn tối ưa cho ngày Tết. Vì những gam màu này thường mang ý nghĩa tượng trưng cho sức sống, sự may mắn..., hơn thế nữa, nó còn tạo cảm giác ấm áp cho cả ngôi nhà của bạn trong những ngày Xuân".
Các loài hoa, cây cảnh chiếm diện tích lớn như Trạng Nguyên... và những loại hoa trồng nguyên góc trong các chậu hoa sẽ thích hợp với những không gian như lối vào nhà, hai bên cửa phòng khách. Ngược lại, những loài hoa, cây cảnh nhở như Đồng Tiền,... hay các loại hoa cắm cành lại thích hợp cho việc đặt trên bàn tiếp khách, bán ăn hay các không gian nhỏ như cửa sổ, phòng ngủ,...
Bên cạnh đó, bạn không nên sử dụng quá nhiều hoa với nhiều màu sắc trong nhà sẽ gây nên cảm giác rối mắt khi bước vào không gian nhà bạn. Những loài hoa có hương thơm vừa phải sẽ thích hợp cho phòng ngủ hay phòng ăn hơn là nhưng loài hoa có nhiều hương thơm.
Việc sử dụng lọ hoa, chậy hoa hay giỏ hoa treo cũng tùy thuộc vào không gian cần trang trí. Với không gian sân vườn thì những chậu hoa là lựa chọn tối ưu nhất, trong khí đó với cửa sổ, tường nhà... thì việc thêm vào những giỏ hoa sẽ đem đến một cảm giác thích thú cho ngôi nhà của bạn. Những lọ hoa tươi sẽ thích hợp cho bàn ăn hay kệ bếp vì vừa sạch sẽ vừa dễ dàng di chuyển.
Ngày Tết, bạn cũng không có quá nhiều thời gian để thay đổi các loại hoa liên tục. Chính vì thế, để giữ hoa tươi lâu bạn nên chú ý đến việc chăm sóc hoa đúng cách. Nên đem các chậu hoa, cây cảnh ra sân vào buổi tuối để đảm bảo hoa tươi lâu hơn. Dọn lá vàng hay vứt bỏ những cây hoa đã héo cũng là việc bạn cần phải làm với hoa, cây cảnh ngày Tết. Vì theo quan niệm của người Việt, sự héo tàn trong những ngày đầu năm sẽ làm cho gian đình bạn kém may mắn trong năm mới.

Hiện đại và trang nhã

Sử dụng gam màu trung tính như trắng, đen, nâu, xám... sẽ tạo cho ngôi nhà của bạn vẻ đẹp trang trọng, nhã nhặn, hiện đại và sự klinh hoạt cho không gian nội thất.

Sự giản đơn trang nhã được cảm nhận ngay từ lối vào bằng hệ tủ giày dép và vách tranh kín màu khổ lớn
Tuy không tạo nên ấn tượng mạnh, song gam màu trung tính nơi nội thất giúp gia chủ dễ chọn đồ trang trí, khá tự do thoải mái thay đổi chất décor cho không gian sống của mình. Theo kiến trúc sư thiết kế, đó cũng là một số đặc trưng của phong cách nội thất đương đại - đề cao sự đơn giản về đường nét hình khối, tính hiện đại tiện nghi và không quá cầu kỳ về chi tiết, màu sắc để tạo sự linh hoạt phù hợp với nhiều "gu" sở thích của các gia chủ.

Không gian bếp, bàn ăn thể hiện "chất đương đại" bằng sự tương phản trắng đen và gam màu trung tính

Phòng khách với khá nhiều đồ décor nhưng không tạo cảm giác bừa bộn nhờ cách sắp xếp hợp lý
 
Sự trang nhã, đơn giản, vuông vắn đồng điệu xuyên suốt ngôi nhà
Căn hộ này là một ví dụ cho phong cách đó. Trước hết, về màu sắc, trắng được chọn làm gam màu nền của trần, tường; chuyển sắc sang rèm cửa, sàn, thảm là màu xám. Đồ đạc trong các phòng chức năng là sự phối hợp nhịp nhàng giữa đen và trắng để tạo sự đồng điệu xuyên suốt căn hộ.
Về kiểu dáng, sự vuông vắn, thẳng, ngang của đường nét kiến trúc và tối giản chi tiết của đồ đạc càng trở nên phù hợp với gam màu trung tính.

Nhà rơm nhà đất quê ta

Chắc không ai nhớ chính xác từ lúc nào, trong các nhà hàng quán ăn sang trọng, những món “nhà quê” như bông bí luộc, rau muống xào tỏi… bỗng được xếp chung với đặc sản đắt tiền, nằm trên chén dĩa sang trọng.

Và cùng với loại hình du lịch nghỉ dưỡng phát triển, resort mọc lên như nấm, nhà tranh tre nứa lá, vách đất gạch Tàu bỗng chốc bỏ áo “nhà quê”, thu đô la ngọt xớt với danh nghĩa chất lượng cao cấp của môi trường sinh thái.
Nhà “mái tranh vách đất” ở xứ ta đã có từ xa xưa nào rồi, và tồn tại như một kỹ thuật - nghệ thuật kiến trúc dân gian. Gọi chung là “mái tranh vách đất” để nói về một dòng chất lượng kiến trúc - xây dựng thôi, chứ mỗi vùng miền đều có sản phẩm riêng độc đáo. Mái lợp, ngoài tranh còn có lá cọ, lá mía, lá dừa nước…, đặc biệt có lá trung quân ở rừng miền đông Nam bộ chống cháy rất tốt. Váchnhà thì ngoài đá hộc, đá cuội, đá ong, còn có gạch đất không nung. Những kỹ thuật độc đáo phổ biến ở Trung bộ và đông Nam bộ hay vùng núi Bắc bộ là trình tường bằng đất và làm vách “mành trĩ”. Trong đó vách mành trĩ được cấu tạo với cốt tre đan ô vuông, lấp kín lại bằng vật liệu hỗn hợp sợi rơm với đất bùn pha sét. Loại vách này nhìn kỹ không khác gì vách tường gạch nhưng cách âm cách nhiệt thì tốt hơn hẳn.

Cho nên kỹ thuật “nhà tranh vách đất” không phải được lên ngôi như một giá trị thời thượng của chuyện đi tìm cảm giác lạ (như một số tường gạch giả vách đất ở vài khu resort), mà có giá trị kỹ thuật kiến trúc thật sự - Đó là giá trị cách âm cách nhiệt tốt hơn hẳn so với mái ngói, tường gạch hay bê tông, nên tiết kiệm năng lượng tuyệt vời, nhất là ở xứ quá nóng hay quá lạnh. Thêm sự thân thiện môi truờng trong thời buổi chống stress quyết liệt của xã hội công nghiệp nữa.

Nhưng với những ưu điểm đã nêu trên, sự trở lại của kỹ thuật vật liệu thô sơ cũng giống như cách nó bị từ chối, vì loại vật liệu nào cũng phải phù hợp với nhiều tiêu chí khác như: nguồn cung cấp, sản xuất hàng loạt, tốc độ và sự tiện lợi trong thi công, độ bền và an toàn… Do đó, sự đặt để đúng chỗ vẫn giữ vai trò quan trọng và là một trong những tiêu chí có tính đẳng cấp cho người làm nghề
Bài: KTS NGUYỄN VĂN TẤT

"Mặt tiền kép" cho nhà phố

LTS: Nhà phố, với chiều rộng mặt tiền nhỏ (thường dưới 5m) và chiều sâu lớn, là loại nhà rất phổ biến ở các đô thị Việt Nam. Do nhà phố thường chỉ tiếp xúc với bên ngoài qua một mặt hướng ra đường, nên mặt tiền nhà luôn được đặc biệt quan tâm. Bài viết này đề xuất một giải pháp tham khảo về thiết kế mặt tiền nhà phố như là một gợi ý.

Yêu cầu thiết kế

Trước khi bắt tay vào công việc thiết kế, chúng tôi đặt ra các yêu cầu thiết kế nhà phố, đảm bảo phù hợp với điều kiện khí hậu và an ninh xã hội cụ thể của Việt Nam như sau:

1. An ninh: ban công các tầng lầu và sân thượng phải chống được trộm xâm nhập.

2. Khai thác các yếu tố khí hậu tích cực: do nhà phố chỉ có một diện tích mặt tiền rất nhỏ tiếp xúc với bên ngoài, nên cần phải tận dụng tối đa mặt tiền để đưa ánh sáng và gió vào công trình.

3. Giảm thiểu các ảnh hưởng xấu của khí hậu và môi trường chung quanh: bao gồm chống nắng, chống mưa tạt, chống bụi và tiếng ồn.

4. Tính thẩm mỹ và có không gian trồng cây.

Cửa sổ hai lớp truyền thống: lớp ngoài là hệ cửa gỗ lá sách chống nắng; lớp trong là cửa kính

Giải pháp

“Mặt tiền kép” được phát triển dựa trên giải pháp thiết kế “cửa sổ hai lớp” truyền thống: trong đó, lớp ngoài là hệ cửa gỗ lá sách chống nắng; lớp trong là cửa kính. Phát triển từ “cửa sổ hai lớp” này, giải pháp mặt tiền kép cho loại hình nhà phố bao gồm các đặc điểm chính như sau:

Cấu tạo “Mặt tiền kép” với hai lớp cửa: lớp ngoài là hệ song sắt - lớp trong là cửa kính

Mặt tiền nhà phố có hai hệ cửa xuyên suốt qua các tầng.
Hệ bên ngoài là hệ khung sắt có thể đóng mở được.
Hệ bên trong là hệ cửa đi (cửa sổ) mở rộng tối đa theo chiều rộng và chiều cao của từng tầng.
Giữa hai hệ cửa là không gian ban công dùng để trồng cây và ngắm cảnh.

Giải pháp mặt tiền kép nêu trên có thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu thiết kế đã đặt ra đối với nhà phố:
1. An ninh: nhờ hệ khung sắt bảo vệ xuyên suốt hai tầng, trộm khó bề xâm nhập ban công các tầng lầu.
2. Khai thác các yếu tố khí hậu tích cực: mặt tiền được mở rộng tối đa để đưa ánh sáng và gió vào công trình.

Do mặt tiền là hệ cửa kính mở rộng tối đa theo chiều rộng và chiều cao tầng, nên giải pháp mặt tiền kép cho ánh sáng rọi được nhiều nhất vào công trình.

Khi cần thông thoáng tự nhiên, chủ nhà có thể mở rộng hệ cửa kính (trong lúc này, hệ cửa sắt vẫn có thể đóng lại để đảm bảo an ninh).

3. Giảm thiểu các ảnh hưởng xấu của khí hậu và môi trường chung quanh: hệ khung sắt và ban công có tác dụng che nắng trực tiếp chiếu vào trong nhà và chống mưa tạt trực tiếp vào cửa kính công trình.
4. Hệ khung sắt có thể được thiết kế theo các kiểu hoa văn khác nhau làm tăng tính thẩm mỹ. Ban công là không gian trồng cây. Hệ khung sắt còn là giàn dây leo để các loại cây cảnh len lỏi vào làm xanh mát mặt tiền ngôi nhà.

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Đẹp thực dụng

Yêu cầu thiết kế nhấn mạnh sự phù hợp với nếp sống lâu nay, nội thất không có những chi tiết dư thừa, rối rắm. Tất cả được “lồng” trong một ngôi nhà có dáng dấp cổ điển bên ngoài.

Vì không cần nhà xe nên toàn bộ diện tích tầng trệt 9m x 11m được dành cho bếp, phòng vệ sinh, phòng ăn, phòng khách, phòng sinh hoạt chung, các không gian này liên kết mở với nhau. Giữa hai quầy bếp được tận dụng làm kho cho người nội trợ.

Trên tầng lầu 1, bên cạnh phòng ngủ dành cho khách, nội thất hai phòng ngủ cho trẻ nhỏ mang hai cá tính riêng. Phòng của bé gái với màn voan tha thướt, đường cong uốn lượn trên tủ, giường, bàn ghế. Cảm giác thật dễ chịu khi những gam màu nhạt: tím, hồng, hồng phấn hòa quyện vào nhau và ấm áp với tông nâu gỗ trên sàn. Phòng bé trai thì mang chút ảnh hưởng của người nhện trong phim nên tủ, giường được sơn màu xanh nhấn nhá bằng những “đường tơ, lưới nhện” màu đỏ. Phòng tắm duy nhất ở tầng này rất rộng, tuy ốp cẩm thạch mang vẻ cổ điển nhưng mảng màu vàng đậm nơi bàn rửa mặt lại pha chút nghịch ngợm tươi trẻ gây bất ngờ cho người lớn.

Tầng lầu 2 dành riêng cho chủ nhân, có phòng thay áo, tủ áo, tủ giày, phòng tắm thật rộng với phòng xông hơi, phòng ngủ và một “home office” kế bên.

Ra riêng đôi nẻo gập ghềnh

“Ra riêng” về mặt làm ăn để tự mình làm chủ; ra riêng về không gian sống để khẳng định "bản lĩnh" và giảm thiểu ràng buộc, va chạm giữa các thế hệ. Ra riêng là giải pháp cho những ai muốn vùng vẫy tự do, đủ sức bay nhảy và kiểm soát tốt cuộc sống, nhưng cũng là chông chênh gian khó với những cái đầu nóng và trái tim lạnh, khi trái chưa đủ chín đã vội rời cây.

Ra riêng xưa và nay
Xét về bản năng sinh tồn, về ý muốn vươn lên tự lập của mỗi người thì ra riêng là dấu son khẳng định "ta đã lớn"! Thuở trước theo kiểu "nữ thập tam, nam thập lục", các bậc tiền nhân đã lập gia đình sớm để thêm sức lao động nông nghiệp, nhà thêm người thêm của nên việc ra riêng thuở ấy vẫn loanh quanh ríu rít dưới mái nhà tam tứ ngũ đại đồng đường. Riêng mà vẫn chung, mà vẫn quây quần trong nhà ngoài ngõ để đầu bạc răng long ít khi phải vương muộn phiền.

Thời công nghệ thông tin hiện nay, nam thanh nữ tú ngoài đường bận thi cử hay lập nghiệp tối mặt tối mũi, về nhà hí hửng lên mạng chát chít ì xèo, cái tôi của tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu to như cái đình, đụng chạm một chút là muốn bỏ nhà đi! Cơ hội thăng tiến nhấp nhô đầy gọi mời, nghĩ là ra riêng sẽ thoải mái vẫy vùng. Chưa "chống lầy" cũng muốn ra riêng để một mình một cõi để khỏi phải ý tứ gì chung quanh. Ra riêng từ đó không còn đúng nghĩa của thái độ vươn lên độc lập tự chủ nữa, trở thành một dạng nickname cho lớp vỏ gọi là sành điệu thời đại. Nói là ích kỷ chỉ biết có mình thì e hơi nặng, nhưng nói là chạy theo phong trào, bất chấp hậu quả giống như "sống thử" thì cũng chẳng sai. Ra riêng kiểu đó thành như …ra rìa, tự mình tách khỏi đời sống gia đình chỉ vì vài phật ý nho nhỏ. Gia đình mới chưa thấy đâu, gia đình cũ đã lỏng lẻo nhạt phai bao mối dây thâm tình cũng vì cái sự ra riêng nửa vời này. Tất nhiên, khi ra riêng đến nơi đến chốn thì cũng có đường xoay xở để vừa thoải mái tự do và để chiêm nghiệm cái sự xa - gần.

Ở xa mỏi chân, ở gần mỏi miệng

Đây là kinh nghiệm để …chính tôi đã ra riêng cách nay chục năm đấy! Tôi chọn lối ra riêng mà vẫn còn … chung khu phố với ba mẹ tôi. Có bị ai ức hiếp thì… cầu cứu phụ huynh liền! Tôi ở một căn hộ chung cư và "độc lập tác chiến" từ A-Z. Cái chổi trở lên cũng phải lo, mới thấm thía cha mẹ đã cực nhọc nuôi dạy mình thế nào. Tới giờ tuy tôi đã ở nhà phố nhưng ông bà già vẫn qua lại, chăm sóc con cháu, ấm áp quây quần. Tôi chọn giải pháp bố trí phòng riêng cho "người cao tuổi" để sẵn sàng phục vụ khi nào các cụ ghé chơi, tất nhiên là đặt ở dưới trệt cho …đỡ mỏi chân, và xếp lịch đón tiếp sao cho khéo, cho vừa đủ để …tránh mỏi miệng.

Ra riêng dưới mái nhà chung

Một họa sỹ tuổi tứ tuần áp dụng kiểu ra riêng này khi sửa nhà. Với nhà nhiều tầng lầu, nhà biệt thự rộng hoặc nhà vườn thì đây là cách thú vị. Anh lấy suốt một lầu, nhà như một căn hộ độc lập, có cầu thang chung nối vào hành lang và phòng riêng. Thiết kế sao cho khéo để đừng biến ngôi nhà chung thành ra …nhà trọ nhiều gia đình. Càng ngăn càng cách, những nơi có thể gặp nhau như phòng khách, phòng thờ, sân trong …cần được chăm chút, giao đãi bạn bè, gia đình nhiều hơn, để tránh "ở trọ ngay trong nhàmình". Vì thế nhà ông họa sĩ này riêng mà vẫn không rẽ. Muốn cạo gió, chạy lên chạy xuống cũng gần; lúc cần kéo rèm khép cửa vẫn là giang sơn biệt lập, thỏa chí tang bồng.

Ra riêng tăng cấp

Theo cấp độ Môn - Táo - Chủ trong Phong Thủy, thì ra riêng có lúc đi từng cấp như vậy. Ra riêng cửa, về nhà lên phòng đóng sập, chuyện nhỏ! Ngon hơn là "mở lối tiên phong" có cửa từ ngoài đường dẫn lên phòng mình, vô nhà thấy toàn là cửa và nút chuông độc lập! Ra riêng bếp ăn, một nhà nhiều ông táo, cũng bởi kiêng cữ, thế hệ khác nhau, nhồm nhoàm 9X khác với móm mém U80. Ra riêng chủ: điện nước khác đồng hồ, hộ khẩu tách bạch, phòng ốc độc lập hoàn toàn như một chung cư trong lòng nhà phố. Nhưng lại không phải chung cư, mạnh ai nấy sống mới buồn như con chuồn chuồn! Cứ theo cấp độ ra riêng kiểu này thì thà tạo dựng căn nhà riêng biệt ở chỗ khác, dù nhỏ dù to, còn hơn là băm nát chia vụn ngôi nhà chung như thế.

Tôi đã từng là một người ra riêng triệt để, đã từng thấu hiểu ra riêng cũng như …chơi chung, không phải hễ muốn là tách ra hầm hầm hay xáp vô hì hì liền ngay được. Điều kiện kinh tế, đặc thù công việc, khả năng tổ chức cuộc sống, muôn chuyện phiền toái và thoải mái, mỗi người mỗi khác. Ra riêng mà nhà bạn chẳng hơn gì cái phòng trọ cấp 4, chất lượng không gian thấp lôi kéo tinh thần người ra riêng đi xuống thì có lẽ đừng “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” bạn ơi! Cũng bởi "ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…" mà, bạn có ra riêng mãi được không?

Nếu bạn sắp ra riêng, xin hãy cân nhắc vì ra riêng chẳng đơn giản là một cú xách va li bước đi khi trời giông bão đâu. Còn nếu bạn đã chán ngán tuổi thơ quanh quẩn váy mẹ, bạn dư thừa sinh lực để tạo dựng chốn ra riêng mang đẳng cấp thời đại thì …xin hoan nghênh chào đón bạn, với đôi lời nhắc nhở bạn đừng quên ngoái nhìn quá khứ, hoạch định tương lai, để ra riêng không bao giờ là một bước khập khễnh đáng hối tiếc về không gian cư trú và thời gian vui sống, bạn nhé!

Nhà thoáng

Thoáng ở đây không chỉ nói về không gian vật lý, mà còn về sự giao lưu tình cảm giữa các thành viên trong nhà, cả về quan niệm thẩm mỹ của chủ nhân. Có lẽ đó là những điều kiện khá ưu đãi cho người thiết kế, để làm cơ sở tạo ra tiêu chí xây dựng đạt bốn yếu tố “thoáng”

1. Mật độ cây xanh cảnh quan chung khá lớn. Từ đó tạo ra những mảng xanh ngay trong công trình để môi trường được “thoáng” thêm, và có thêm nhiều góc xanh để ngắm.

Màu cam nóng của mảng tường kết hợp màu đen của bộ ghế salon thể hiện xúc cảm mãnh liệt và nồng nàn

2. Đây là ngôi nhà có ba thế hệ sinh sống, nên giải pháp thiết kế giúp cho mọi người đều có những khoảng “thoáng”, đảm bảo các sinh hoạt chung và riêng luôn thoải mái, không chồng chéo lên nhau; tự do cho mỗi thành viên nhưng vẫn luôn ấm cúng sum vầy.

3. Thiết kế kiến trúc nhẹ nhàng, không phô trương, đáp ứng được các yếu tố sử dụng cũng như thẩm mỹ của chủ đầu tư: nhà không cần chạy theo “mốt”, chỉ cần “thoáng” và đơn giản, gần gũi với thiên nhiên.

4. Màu sắc cũng nhẹ nhàng, với màu chủ đạo là trắng và xám trắng. Để tạo thêm một chút cá tính, sẽ có những màu tương phản song song tồn tại, như những vệt rất mạnh màu đen, hoặc là cả mảng tường màu cam.

Những hình khối ban công vuông vức, đơn giản để “nắng đùa,gió chơi”