Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Cuối tuần đi xem nhà cổ tại Saigon

Theo Ban quản lý Di tích và Danh lam thắng cảnh TP.HCM (thuộc Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM), toàn TP.HCM hiện nay còn khoảng 10 ngôi nhà cổ dân gian truyền thống của người Việt. Những ngôi nhà này được xem là dấu ấn của Sài Gòn xưa còn sót lại rất quý giá. Thế nhưng, qua khảo sát, nếu nhà nước không có những biện pháp bảo tồn thì nguy cơ những ngôi nhà cổ ấy sẽ mất, mất vĩnh viễn!
“Dấu ấn thời gian”
Theo Ban quản lý Di tích và Danh lam thắng cảnh TP.HCM, dựa theo tiêu chí của ngành bảo tồn di tích, để được gọi là nhà cổ dân gian truyền thống, ngôi nhà đó phải đạt được hai yếu tố cơ bản: Trên 100 tuổi, phải mang phong cách kiến trúc dân gian truyền thống. Hầu hết các ngôi nhà cổ còn lại hiện đều mang kiến trúc dân gian truyền thống của kiểu nhà rường miền Trung.
Nha co tai TPHCM Nguy co bien mat
Những ngôi nhà cổ cũng chịu một số ảnh hưởng kiến trúc của Pháp, chẳng hạn như ban công, vòm cuốn hoặc một số mô típ trang trí hình con tiện…, nhưng bên trong mang đậm kiến trúc Việt.
Qua giới thiệu của một tiến sĩ văn hóa chuyên nghiên cứu về nhà cổ, chúng tôi tìm đến căn nhà số 34/14, khu phố 5, thị trấn Nhà Bè, xây dựng năm 1864, được đánh giá là một trong những ngôi nhà cổ nhất và còn tương đối nguyên vẹn tại TP.HCM hiện nay (căn nhà được cho là cổ nhất TP.HCM hiện nay nằm trong khuôn viên của Tòa Tổng Giám mục TP.HCM, xây dựng vào năm 1790, tính đến năm 2007 được 217 năm, tuy nhiên đó không phải nhà dân ở mà thiên về nhà thờ nhiều hơn).
Khi chúng tôi tới thăm ngôi nhà này, phải nói thật sự bất ngờ: từ kiến trúc bên ngoài đến nội thất bên trong khá đẹp. Nội thất bên trong gần như làm toàn bằng gỗ qua hơn 100 năm vẫn còn tốt. Bàn, ghế, tủ thờ đều bóng lên màu của thời gian làm cho người xem cảm nhận nét cổ kính.
Đặc biệt, nhiều đồ trang trí như đèn treo được sản xuất từ thời Pháp, rồi hoành phi, câu đối, liễn, bao lam… được chạm trổ tinh xảo và còn tương đối nguyên vẹn. Chủ nhân căn nhà này cho biết, có nhiều đoàn làm phim đến mượn nơi đây chọn làm cảnh quay về cuộc sống của những địa chủ giàu có ở Nam bộ xưa.
Rồi hàng loạt ngôi nhà cổ khác mà căn cứ trên gia phả và theo lời kể của chủ nhân đang sống, có thể tìm ra số tuổi của chúng. Cụ thể như căn nhà số 407A/4 ấp 1, xã An Phú Tây, Bình Chánh (xây dựng năm 1899); hai căn 14/182 và 14/184, khu phố 3, Tân Nhơn Phú A, Q.9 (xây dựng năm 1883)...
Những ngôi nhà này được xây dựng theo kiểu nhà ba gian hai chái, hoặc nhà có mặt chữ đinh, thảo bạt… với mái ngói âm dương, đầu ngói tráng men xanh, kết cấu vì chồng rường, xuyên trính, nội thất trang trí nhiều họa tiết bằng gỗ chạm lộng hay hoành  phi, câu đối khảm xà cừ, tinh vi, khéo léo.
Thạc sĩ văn hóa Trần Thị Vui - Trưởng khoa Văn hóa (Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM), cho rằng, những ngôi nhà cổ như những thước phim tư liệu quý giá, thực và sống động nhất về hình ảnh của đất Sài Gòn - phương Nam xưa. Nhà cổ ở Sài Gòn không chỉ để lại những vết thời gian điểm xuyết cho đô thị, mà còn chứng minh Sài Gòn – TP.HCM đã hơn 300 năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét